KINH THIÊN THỦ THIÊN NHÃN
QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT QUẢNG ÐẠI VIÊN MÃN
VÔ NGẠI ĐẠI BI TÂM ÐÀ RA NI
Đời Đường, Sa-môn Dà-Phạm Đạt-Mạ người
xứ Tây-Thiên-Trúc dịch
LỜI BẠT
Đời càng đi sâu vào mạt pháp, sự khổ của nhơn loại càng thêm nhiều. Đó
cũng là cộng nghiệp của chúng sanh chứa góp từ nhiều kiếp
trước đến kiếp này, đã tới kỳ bộc phát. Túc-nghiệp đã
sẵn, hiện nghiệp lại giúp duyên, như lửa gặp được dầu càng thêm lan
cháy!
Thế-giới ngày nay, chiến tranh hết nơi này đến nơi khác, nhiều chứng
bịnh lạ nảy sanh, trộm cướp hoành hành, nhơn dân nghèo khổ. Mỗi năm
những tin tức bão lụt, động đất, nắng hạn, mất mùa, ở khắp các
xứ không biết là bao nhiêu! Cảnh đã như thế, con người phần nhiều
càng hung ác, gian xảo, không biết tỉnh thức ăn năn.
Những thảm trạng do lòng tham địa vị, tình ái, tiền tài,
kết quả gây ra tàn hại lẫn nhau cũng không xiết kể!
Kinh Hoa-Nghiêm nói: 'Tâm như người họa khéo, vẽ
vời cảnh thế gian”. Cảnh đời vui khổ đã do hành vi lành
dữ phát sanh từ tâm niệm của loài người thì muốn làm
dịu bớt thảm trạng ngày nay, mỗi người phải tự tỉnh, ăn năn, giữ
tám chữ: TRUNG, HIẾU, ĐỄ, TÍN, LỄ, NGHĨA, LIÊM, SỈ và tấm lòng chân
thật ngay thẳng, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài
ra, muốn tiêu trừ nghiệp chướng, tránh khỏi họa tai, người
biết Phật pháp lại cần phải cầu nơi tha lực như
tu các hạnh niệm Phật, niệm Quán Thế Âm hoặc thọ trì mật
chú nữa.
Xem kinh Quán
Âm Đại Bi Tâm Đà Ra ni, tôi thấy những công đức an vui,
thoát khổ trong ấy rất cần thiết đối vớI hiện cảnh ngày nay, nhân có
một Phật tử yêu cầu phiên dịch, tôi liền vui lòng hứa
nhận.
Theo trong Hiển Mật Viên Thông, người tu Chân ngôn
về sắc trần cần phải rõ rệt, như quán nước phải ra nước, quán
lửa phải ra lửa, chớ không thể khác được. Riêng về thinh trần thì dù tiếng
tăm đọc tụng có trại vớI Phạm Âm đôi chút cũng không sao,
miễn có lòng tin tưởng chí thành là được công hiệu. Vì
thế, từ trước đến nay, hàng Phật tử ở Trung Hoa cho
đến Việt-Nam ta, khi đọc tụng chú, thật ra đều trại vớI chánh âm, song
vẫn cảm được oai thần công đức không thể nghĩ bàn. Vậy người học
Phật, muốn trì chú, đừng lấy điểm này làm nghi, mà mất phần lợi
ích.
Lại từ trước đến nay, chú ngữ không phiên dịch vì 5 duyên
cớ:
1. Vì tâm niệm bí mật nên không phiên dịch
Như chúng sanh dùng tâm yên lặng, tin tưởng, thành
kính mà niệm chú, tất sẽ khế hợp với chân tâm của Phật, Bồ
Tát mà được cảm ứng. Nếu biết nghĩa lý thì dễ sanh
niệm phân biệt, cho đoạn này nghĩa như vầy, đoạn kia nghĩa như
thế, kết cuộc vẫn ở trong vòng vọng tưởng, làm
sao thông cảm với Phật tâm?
2. Vì nghĩa lý bí mật nên không phiên dịch
Trong một chữ chân ngôn có nhiều nghĩa, nếu dịch nghĩa này thì mất
nghĩa kia. Không được toàn vẹn. Thí dụ, riêng một chữ A đã hàm
súc những nghĩa như bất sanh, bất diệt, không, căn bản,
chân thể, và nhiều nghĩa khác nữa.
3. Vì danh tự bí mật nên không phiên dịch
Nhiều chữ trong chân ngôn, hoặc chỉ cho danh hiệu Phật, Bồ
Tát, Thiên, Long, Quỷ Thần, như chữ HỒNG gồm 4 chữ HẠ, A, Ô, MA hiệp thành,
chỉ cho chủng tử của chư thiên. Hoặc có thứ ở phương này không
có, như danh từ Diêm Phù thọ chẳng hạn.
4. Vì âm thanh bí mật nên không phiên dịch
Các chữ chân ngôn có khi diễn tả âm
thanh của tiếng gió reo, nước chảy, tiếng loài chim kêu, đọc lên
có sức linh động, nên để nguyên âm. Thí dụ: câu “TÔ RÔ TÔ RÔ” là chỉ cho tiếng lá cây ở cõi Phật rơi
xuống. Hoặc như chữ “ÁN” (Aum), đọc lên có năng lực thầm kín,
làm rung chuyển không gian. Hay như chữ “TA-BÀ-HA” (svaha)
có sức truyền cảm như một sắc lịnh. Lại có nhiều danh từ nguyên chữ Phạn sẵn từ
trước đến nay, vì thuận theo xưa, nên không dịch ra.
5. Vì sự sanh thiện bí mật nên không phiên dịch
Như danh từ “Bát-nhã” người đọc lên sanh lòng
tin tưởng, phát ra niệm lành, nếu dịch là trí huệ thì sanh lòng
khinh thường, không quí trọng.
Trên đây là những nguyên nhân vì sao chú ngữ không dịch ra, chớ chẳng
phải là không có ý nghĩa. Người học Phật phải nên xét nghĩ, chớ vội theo
chỗ thấy hiểu cạn hẹp của mình, sanh lòng khinh mạn mà mang tội.
Lại trong kinh có câu: 'Nếu tụng trì đúng pháp, tự nhiên sẽ
được hiệu quả'. Vậy tụng trì đúng pháp là sao? Trong đây xin chia ra
hai phương diện:
1) Về mặt giữ gìn giới hạnh:
Người trì
chú cần phải giữ trai giới, trừ sát, đạo, dâm, vọng, kiêng
cữ rượu, thịt, hành, hẹ, tỏi cùng các thức ăn hôi hám. Thân
thể thường phải năng tắm gộI, thay đổi y phục cho sạch sẽ, chớ
để trong người có mùi hôi. Khi đại tiểu xong, phải rửa tay đọc chú.
Trước khi trì chú phải súc miệng cho sạch. Lại nữa, trong thời
gian kiết thất trì chú, ngườI ấy chớ nên nói chuyện hí hước tạp nhạp,
không nên khởi tâm hờn giận, hoặc tham tưởng sự ăn uống ngủ
nghỉ hay sự dục lạc ngoài đời. Phải giữ lòng thanh
tịnh, tin tưởng, thành kính.
2) Về mặt lập đàn tụng
niệm:
Theo đúng pháp, người trì chú nào phải thờ vị Bổn Tôn của chú ấy.
Như trì chú Đại Bi thì phải thờ tượng Thiên Nhãn, hoặc
tượng Quán Âm 24 tay, 18 tay, 8 tay, 4 tay hay ít lắm là
tượng Quán Âm thường cũng được. Nên để tượng day mặt về phương Tây. (
Theo quyển “Bách Lục Thỉnh Quán Âm Nghi” thì nếu có tượng Bổn Sư nên để tượng Thích
Ca hướng về phương Nam, tượng Quán Âm hướng về phương
Đông). Đàn tràng nên lựa chỗ vắng lặng sạch sẽ, thường
dùng hương, hoa, nước trái cây, cùng các thứ ăn uống cúng
dường tôn tượng. Nếu có phương tiện, treo tràng phan, bảo
cái lại càng tốt. Thời gian cầu nguyện hoặc 7 ngày, 21
ngày, 49 ngày nên giữ cho đúng. Trước khi vào đàn, phải kiết giới y
như kinh đã chỉ dạy. Trong một ngày đêm, chia ra làm 3, 4 hoặc 6
thờI, tụng niệm tiếp tục, tiếng tụng cần phải rành
rẽ, rõ ràng. Ngoài ra, nghi thức lễ bái, trì
niệm cũng cần phải biết và học thuộc trước.
Trên đây là nói về cách lập đàn kiết giới tụng niệm để cầu cho
được mau hiệu nghiệm, nếu người thường tụng trì, không bắt buộc phải
theo lệ ấy. Nhưng trong 2 phương diện trên, gắng giữ được phần nào
lại càng hay.
Chúng sanh căn cơ, tâm bịnh, sở thích vô cùng. Giáo
môn của Phật, Bồ Tát cũng chia ra vô lượng, dịch ra quyển
này, tôi chỉ kính vâng theo bi nguyện của chư Phật, Bồ Tát,
và thuận với sự mong cầu, thích hợp của hành nhơn mà thôi. Nếu vị nào
lấy tâm Bồ Đề làm nhân, tùy theo chí nguyện, lựa
một pháp môn tu đều có thể giải thoát. Nhưng, chúng
sanh đờI mạt pháp, phần nhiều là hàng trung, hạ, ít có
bậc thượng căn, cần nương nhờ nơi tha lực mới mong
được kết quả chắc chắn. Tịnh tông và Mật Tông đều
thuộc về tha lực pháp môn, mà Tịnh tông lại là chỗ quy túc
cho các tông khác.
Nguyện xin các đồng
nhơn, từ đây dứt dữ làm lành, tin sâu lý nhân quả, rồi hoặc chuyên
niệm Phật, hoặc lấy niệm Phật làm chánh, tụng kinh, trì
chú, tham thiền làm trợ, để tự tu và khuyên người. Như thế mới là
mưu hạnh phúc cho chính mình, cho thân nhơn và tất cả sanh loại. Như
thế mới có thể chuyển họa thành phước, đổi cảnh trạng thống
khổ trước mắt thành cảnh giới an ổn, vui tươi. Để rồi
ngày lâm chung, lại được cùng nhau chân bước lên chín
phẩm liên đài, thân ra khỏi 3 ngàn thế giới, thấy Di
Đà trong hiện kiếp, chứng đạo giác nơi tương lai.
Như vậy chẳng quý hơn ư?
LIÊN DU
Thích Thiền-Tâm
Comments
Post a Comment