Khai Thi Về Kinh Thủ Lăng Nghiêm
MỤC LỤC
I
ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
[1-10] ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
[11-20] ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
[21-30] ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
[31-40] ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
[41-50] ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
[51-60] ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
[61-70] ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
[71-80] ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
[81-84] ĐẠI-BI-TÂM ĐÀ-RA-NI “XUẤT TƯỢNG”
MANTRA ILLUSTRATIONS
Thần Chú Xuất-Tượng
11-20 GREAT COMPASSION MANTRA VERSES
21-30 GREAT COMPASSION MANTRA VERSES
31-40 GREAT COMPASSION MANTRA VERSES
41-50 GREAT COMPASSION MANTRA VERSES
51-60 GREAT COMPASSION MANTRA VERSES
61-70 GREAT COMPASSION MANTRA VERSES
71-84 GREAT COMPASSION MANTRA VERSES
II
THIÊN-THỦ THIÊN-NHÃN PHÁP-BỬU CHƠN-NGÔN-ĐỒ
[1-9] THIÊN-THỦ THIÊN-NHÃN PHÁP-BỬU CHƠN-NGÔN-ĐỒ
[10-19] THIÊN-THỦ THIÊN-NHÃN PHÁP-BỬU CHƠN-NGÔN-ĐỒ
[20-29] THIÊN-THỦ THIÊN-NHÃN PHÁP-BỬU CHƠN-NGÔN-ĐỒ
[30-42] THIÊN-THỦ THIÊN-NHÃN PHÁP-BỬU CHƠN-NGÔN-ĐỒ
III
QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT QUẢNG-ÐẠI VIÊN-MÃN
IV
KINH
PHẬT-ĐẢNH TÔN-THẮNG
ĐÀ-RA-NI
V
KINH NIỆM PHẬT BA-LA-MẬT
DUYÊN KHỞI
KHUYẾN PHÁT NIỆM PHẬT và ĐỌC TỤNG CHƠN NGÔN
(PHÁT NGUYỆN NIỆM-PHẬT THEO TRƯỞNG-GIẢ DIỆU-NGUYỆT)
VI
Dao Tần, Tam-Tạng Pháp-Sư Cưu-Ma-La Thập dịch
Việt Dịch :
HT.Trí-Tịnh
VII
MA-HA
BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH
Nam mô A Di Đà
Không gấp cũng không hưởn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau (Hạ Thủ Công Phu)
Thường niệm cho rành rõ
Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chính Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ (Tương Ưng với Giới, Định, Huệ)
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền (Sự Nhất Tâm)
Tam-muội sự thành tựu
Đương niệm tức vô niệm (Lý nhất Tâm)
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý pháp thân hiện
Nam mô A Di Đà
Nam mô A Di Đà
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng phẩm (Phát Nguyện Vãng-sanh Cực-lạc)
Tâm Nguyện Của Dịch Giả
Trích cuối tập 9 Kinh Ðại-Bửu-Tích
...........
Chư pháp hữu thân mến, cho phép tôi được dùng từ này để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia, tôi có ý nguyện nhỏ, dầu nhỏ nhưng là từ đáy lòng thiết tha, muốn cùng các pháp hữu, tất cả các pháp hữu, những ai có đọc có tụng có nghe thấy những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn quyến thuộc thân thiết với tôi đời này và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vững bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp vỏ cứng của nó là tứ lưu bát nạn, cạm bẫy của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong. Tôi chơn thành nói lên câu cần dìu dắt nhau. Vì vào giây phút mà tôi đang nguệch ngoạc ghi lại VÀI DÒNG NÀY, CHÍNH TÔI, PHẢI CHÍNH TÔI, KHÔNG DÁM ngửng mặt tự xưng là Tỳ Kheo chơn chánh, chỉ biết như thảo phú địa, nhứt tâm sám hối mười phương pháp giới.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát.
Chùa Vạn Ðức
Ngày Trùng Cửu, Năm Kỷ Tỵ .
(08-10-1989)
Thích Trí Tịnh
Cẩn Chí
Ẩn-Tu Ngẫu Vịnh
Ẩn-Tu "TỨC PHÁT “BỒ-ĐỀ” QUẢNG ĐẠI NGUYỆN"
HT Thích Thiền-Tâm
(HT. THIỀN-TÂM NHƯ Ý GIẢNG GIẢI)
PHÁP-YẾU-TU-HÀNH
H.T Thích-Thiền-Tâm
Yếu điểm của đường tu
Gồm hai phần Sự,
Lý
Lý tu là sửa tâm
Cho hợp với chân lý
Sự tu chỉnh ba nghiệp
Giúp chứng cảnh chân như
Sửa tâm là dứt trừ
Nghiệp tham, ái, nóng, giận
Si mê cùng tật đố
Ngã mạn với kiêu căng
Chớ chạy theo hình thức
Say đắm nẻo lợi danh
Chuộng địa vị, quyền hành
Khoe thông minh, tài giỏi
Phải sanh lòng giác ngộ
Niệm thanh tịnh từ bi
Dõng tiến mà kiên trì
Sáng suốt mà khiêm hạ
Tự nghĩ mình xưa nay
Ðã tạo nhiều tội chướng
Chịu nhẫn nhục, sám hối
Biết an phận, tùy duyên
Duyên tốt chẳng kiêu khoe
Duyên xấu không thối não
Bình tỉnh mãi tiến tu
Như bơi thuyền ngược nước
Về biển Tát Bà Nhã
Ðến Bảo Sở an vui
Ðó là phần tu tâm
Hợp với lý giải thoát
Sự tu là thân nghiệp
Lễ kính Phật sám hối
Khẩu nghiệp trì chú kinh
Hoặc niệm Phật khen ngợi
Ý nghiệp giữ thanh tịnh
Mật tu môn Lục Niệm
Nguyện đền đáp bốn ân
Nguyện mình cùng chúng sanh
Sanh cõi vui thành Phật
Ðời đời gặp chánh Pháp
Tu sáu độ muôn hạnh
Tâm Bồ Ðề độ sanh
Trần kiếp không thối chuyển
Tu Sự mà bỏ Lý
Làm sao mở chân tâm?
Tu Lý mà phế Sự
Cũng không thể thành Phật !
Tu Sự chẳng chấp TƯỚNG
Thì tức SẮC là KHÔNG
Tu Lý không bỏ Sự
Ðó tức KHÔNG là SẮC
Lý chính thật Chân-Không
Sự là phần Diệu-Hữu
Chân-Không tức Diệu-Hữu
Diệu-Hữu tức Chân-Không
Nếu chưa đạt lẽ nầy
Thà tu hành chấp CÓ
Ðừng cầu cao bác tướng
Mà lạc vào Ngoan-Không
Ðây chính hầm khổ đọa
Kẻ thông minh đời nay
Ða số mắc lỗi nầy
Xưa có sư Tông-Thắng
Tài huệ biện cao siêu
Vì ỷ giỏi kiêu căng
Nên bị nhục chiết phục
Hỗ thẹn muốn tự tận
Thọ thần hiện thân khuyên
“ Sư nay đã trăm tuổi
Tám mươi năm lầm lạc
May nhờ gặp Thánh nhân
Huân tu mà học đạo
Tuy có chút công đức
Mà lòng hay bỉ ngã
Ỷ thông minh biện bác
Lấn người không khiêm hạ
Lời cao hạnh chưa cao
Nên phải bị quả báo
Từ đây nên tự kiểm
Ít lâu thành trí lạ
Các THÁNH đều tồn tâm
NHƯ LAI cũng như vậy ”
Lại có kẻ đua tướng
Tranh Thượng Tọa ,Ni Sư
Mượn thuyết pháp, tụng kinh
Ðể mưu cầu lợi dưỡng
Dành đệ tử, chùa chiền
Lập bè đảng, quyến thuộc
Thấy có ai hơn mình
Liền thị phi tật đố
Hại Thầy Bạn, phản Ðạo
Lừa dối hàng tín tâm
Lời nói thật rất cao
Việc làm thật rất thấp
Lý Sự đều sai trái
Hạng ấy hiện rất nhiều
Tạo biển khổ thêm sâu
Khiến đau lòng tri-thức
Lý, Sự đại lược thế
Công đức làm sao được?
Phật là ÐẠI-Y-VƯƠNG
Pháp là DIỆU-TIÊN-DƯỢC
Là phương-thuật rất mầu
Là như-ý bảo châu
Hay trừ nạn nghèo khổ
Khiến cho được giàu vui
Hay trừ tất cả bệnh
Khiến mau được bình phục
Hay trừ nạn yểu số
Khiến thọ-mạng dài lâu
Hay khỏi các tai ách
Như bão lụt, binh lửa
Giặc cướp cùng tà ngoại
Ác thú với độc xà
Các yêu ma , quỷ mị
Nạn động đất, xe, thuyền
Những phù-chú ếm-đối
Ðều phá tiêu tan hết
Cho đến trừ tội chướng
Sanh trưởng phước huệ to
Cứu chúng đọa Tam Ðồ
Siêu lên bờ giải thoát
Chuyên tụng một phẩm Kinh
Một Chân-Ngôn, hiệu Phật
Thì thành tựu các nguyện
Thỏa mãn các mong cầu
Chỉ sợ người không tin
Hoặc tin mà không
sâu
Lại ngại không thực hành
Hoặc hành không bền lâu
Hoặc tuy hành bền lâu
Không chí tâm khẩn cầu
Chí tâm là không vọng
Trì niệm quên thân tâm
Lặng lẽ dứt phân biệt
Không trong, ngoài, người, cảnh
Khi đi, đứng, thức, ngủ
Chẳng bỏ câu trì niệm
Lúc hưỡn, gấp, an, nguy
Cũng vững vàng trì niệm
Cho đến khi sắp chết
Vẫn như thế trì niệm
Ðắc, thất đều do đây
Cần chi hỏi tri thức
Không hành như trên đây
Phật cũng khó cứu vớt
Huống nữa là phàm Tăng
Giúp ích được gì đâu
Nhớ lời Cổ Ðức dạy:
“Ta có một bí quyết
Khẩn thiết khuyên bảo nhau
Là hết lòng thành kính
Nhiệm mầu cực nhiệm mầu ”
Hãy ghi nhớ lời nầy
Lắng lòng suy gẫm sâu
Trời xanh tươi biếc một mầu
Ánh trăng vẫn sáng một mầu xưa nay
Mà sao đời đạo đổi thay
Cỏ hoa đượm nét u-hoài thờ-ơ
“Thuyết pháp bất đậu cơ
Chúng sanh một khổ hải ”
Ðời mạt suy thế đạo lại thêm thương
Sóng dồn bọt biển tà dương
Con thuyền cứu độ khuất đường vân yên
Bụi hồng tung gió đảo điên
Vô tình mai nở diệu hiền cành xuân.
Ẩn-Tu Ngẫu Vịnh
HT Thích Thiền Tâm
1.- Ẩn tu nào phải cố xa đời !
Mượn cảnh u-nhàn học đạo thôi !
Những thẹn riêng mình nhiều nghiệp chướng
Bốn ân còn nặng nghĩa đền bồi.
2.- Ẩn tu cảm xót biển trần-ai !
Sóng gió trầm luân mãi lạc loài
Thân khổ kiếp người muôn nỗi khổ !
Nghiệp đời vay trả, trả rồi vay !
3.- Ẩn tu hôm sớm niệm Di Đà
Lòng lặng mười muôn chẳng cách xa
Canh vắng giường thiền khi mãn định
Hoa sương cười nụ dưới trăng tà.
4.- Ẩn tu uổng tiếc bạn đồng hành !
Nói lý cao huyền đắm lợi danh !
Già, bịnh, đoạ sa, không phản tỉnh
Bóng câu mấy nỗi thoáng bên mành !
5.- Ẩn tu cõi tịnh nhẹ buông hồn !
Tưởng quán trời Tây nhớ Bảo-thôn
Ráng đỏ sắp đưa, vầng Nhật-lặn
Phất phơ tà áo gió hoàng hôn.
6.- Ẩn tu bền chí giữ công phu
Ba cõi không an lửa ngục tù !
Ngũ-dục, Hoàng-lương say gối mộng
Kiếp người dường một thoáng phù du !
7.- Ẩn tu riêng chạnh nỗi riêng mình
Túc trái gây nên, mối bất-bình
Tích phước tu-hành rồi tạo nghiệp
Cánh bèo trôi giạt biển phù sinh.
8.- Ẩn tu tưởng lại quả đời nay
Bao lớp gian truân nỗi đoạ đày !
Ẩn nhẫn trả xong tròn nghiệp trước
Dấu hồng chuyện cũ tuyết mờ bay !
9.- Ẩn tu nhớ đến đức sanh thành
Lắm lúc vì con chẳng tạo lành
Con lớn Mẹ Cha oằn gánh nghiệp
Bảo châu đền đáp cũng mong manh !
10.- Ẩn tu nguyện trả nghĩa song đường
Hồi hướng công phu mỗi khoá thường
Lại khuyến nghiêm-từ tâm đạo phát
Nương thuyền Phật huệ đến Tây-phương.
11.- Ẩn tu cửa đạo trải bao năm
Kinh nghiệm nhiều phen vẫn lạc lầm
Quen lắm lại càng thêm việc lắm
Cung đàn Hạ-Lý, mấy tri âm ?
12.- Ẩn tu ngùi ngậm bạn chung sơ
Nối gót ra đi chẳng hẹn chờ
Ngàn dặm cố nhân hồn lẫn vẫn
Mười năm việc cũ nửa phai mờ !
13.- Ẩn tu ưu cảm bởi nhơn tình
Điên đảo luân thường lại sát sinh
Khiến lắm tai trời thêm ách nước
Vầng hồng xế bóng sắp tây khuynh.
14.- Ẩn tu xét thấy chốn Tăng-Già
Ganh-hại thị-phi lắm bất hoà !
Danh vị, chùa chiền tranh đệ tử
Ưu Đàm, Lan Huệ héo mầm hoa.
15.- Ẩn tu rõ biết chuyển cơ trời !
Nhân-quả lọc thanh đạo với đời !
Tai biến dập dồn trăm cảnh chết
Núi xương sông máu, thảm đầy vơi !
16.- Ẩn tu nghĩ muốn thoát dòng mê !
Vững lái phong ba lúc nặng nề
Niệm Phật, niệm Tâm, tâm niệm Phật
Mây tan thấy rõ lối đi về.
17.- Ẩn tu Tín, Nguyện Niệm hồng danh
Thời mạt chướng sâu đạo khó thành
Chờ đến Liên-bang lên pháp-nhẫn
Đem thuyền Bát Nhã độ quần sanh.
18.- Ẩn tu Hoa Tạng mến môn huyền
Muốn kết Dao-đài hội Thắng Liên
Theo bước Đàm-Loan chơi bảo-các
Bích Câu lạc dấu, Giáng-Kiều tiên.
19.- Ẩn tu tế độ chẳng quên lòng !
Bi, Trí đôi đường phải suốt thông
Y sĩ nhân tâm dù đã sẳn
Còn rành nhân thuật mới thành công !
20.- Ẩn tu chi quản nệ công-lao
Mà chẳng tuyên dương tiếng Hải-trào
Sông lớn khơi nguồn từ núi thẳm
Xuống trần càng đục biết làm sao ?
21.-Ẩn tu Không có, Có mà Không !
Phương tiện, từ bi khó biết lòng !
Ngôn thuyết hãy còn Thân thuyết-pháp
Sấm mưa ẩn hiện bóng Thần Long.
22.-Ẩn tu mây trắng nhẹ phiêu diêu
Uốn khúc sông-in giãi lụa chiều
Thanh thoát gió chim reo nhạc Phật
Lầu-Tần không lại lắng hơi tiêu.
23.-Ẩn tu an tĩnh chốn cao nguyên
Hoa cảnh lòng trăng đẹp dịu hiền
Mây núi điệp trùng đêm tịch tịch
Câu Kinh tiếng Phật lại triền miên !
24.-Ẩn tu tịnh thấy cảnh am mây
Thanh tuấn thiền sư dáng huệ gầy
Kiếp trước Đạo Dung là tớ đó
Mà nàng Thiên Thụy hỏi ai đây ?
25.-Ẩn tu dũng-tướng nhớ thời xa
Hoàng-tộc triều Lê điện Thái-Hoà
Vì Trịnh – Tú – Loan duyên trái khiến
Nửa chừng xuân gảy gánh tài hoa !
26.-Ẩn tu được biết kiếp lâu xa
Từng ở Thiên cung cõi Đại La !
Đại Phước Lão-tiên là bạn cũ
Xuống tìm học Phật lạc mê hà.
27.-Ẩn tu luân chuyển nghĩ bao đời !
Thân-thế bèo đưa, sóng nghiệp trôi !
Lỗi bởi tâm mình chưa chuyển vật !
Những riêng thương thẹn khó nên lời.
28.-Ẩn tu nương tựa ánh từ quang
Lần lữa trần tâm lắng nhẹ tan
Năm tháng luyện thuần trâu hoá trắng
Sáo thanh một khúc cỏ hoa nhàn.
29.-Ẩn tu gió mát toả gương nga
Tĩnh-thất cài then tụng Pháp-Hoa
Bừng sáng thân tâm hoà ánh nguyệt
Tầm Dương bổng dứt hận Tỳ Bà !
30.-Ẩn tu niệm Phật cảnh sâu huyền !
Trong sáng linh hư hợp Tịnh, Thiền
Không hữu đều tan, Trung đạo dứt
Hoa vàng chợt nở Bảo trì liên !
31.-Ẩn tu niệm dứt tướng vào ra
Không thấy thân tâm Phật với ta
Thanh thoát rõ rành vang Thánh-hiệu
Trăm hoa đua sắc tiếng Oanh ca.
32.-Ẩn tu niệm chẳng thánh cùng phàm
Mắt huệ can chi dính mạt vàng ?
Hữu tướng tức đồng Vô tướng niệm
Chân Không huyễn sắc khắp bao hàm.
33.-Ẩn tu tuy biết ý cao siêu
Mà chẳng thích ưa lý luận nhiều
Căn tánh người nay đà kém loạn
Nói hay làm phỏng được bao nhiêu ?
34.-Ẩn tu ngại lỗi luận đua tranh
Nói cũng vì người thuyết khác hành
Thái cực ai-phân nhơn-ngã đó
Lạnh lùng huyễn lợi với hư danh !
35.-Ẩn tu suối bạc ánh màu ngân
Muốn gẫm gần xa chuyện túc nhân
Người cảnh ai bày vui với khổ
Hoa trăng cười cợt ý bâng khuâng.
36.-Ẩn tu thôi mặc dở hay đời
Chỉ ước lâm chung dự biết thời
Nương nguyện Phổ-Hiền sanh Cực-Lạc
Rồi dong thuyền độ khắp nơi nơi.
37.-Ẩn tu an phó bịnh suy già
Nhơn thế xưa nay vẫn thế mà
Giữ chắc hồng-danh thuyền tế độ
Muôn trùng bao quản ngọn phong ba !
38.-Ẩn tu suy gẫm sức hồng danh
Phước huệ tăng-kỳ kết tụ thành
Sáu chữ chí tâm tiêu vạn tội
Một câu chín phẩm thoát siêu sanh.
39.-Ẩn tu tuy chửa đến Tây Phương
Cành ngọc chim linh ứng mộng thường
Rõ biết tâm lành sanh cảnh tịnh
Quả nhân cảm hiện lẽ chiêu chương.
40.-Ẩn tu niệm Phật suốt thâu canh
Cam lộ từ răng đượm ngọt thanh !
Khát nước đã nhờ công đức thuỷ
Lam Kiều chi nhọc hỏi Vân Anh ?
41.-Ẩn tu chợt nhớ Hổ Khê xưa !
Suối bạc non xanh đệ nhứt thừa
Một giống Bạch Liên truyền đất Việt
Hương sen còn đậm hạt thu mưa !
42.-Ẩn tu riêng mến đạo Đông Lâm
Biển Phật thuyền Sen thật chẳng lầm
Liên lậu trước chùa ghi nhựt khoá
Đến nay còn dậy khúc Thanh âm.
43.-Ẩn tu trần niệm chẳng còn dư
Kinh điển dường quên, tám vạn tư
Chẳng biết Lư Sơn mày mặt thật
Chỉ nhân mình ở tại non Lư.
44.-Ẩn tu nghĩ chuộng sắc thanh-duyên
Thanh sắc đâu bằng cõi Bảo Liên
Sắc rực ánh vàng thanh suối ngọc
Tô Đà hương phạn lại tham thiền.
-Ẩn tu nghĩ kẻ sắc thanh tranh
Thanh sắc đâu bằng cõi Thái Thành
Sắc đẹp ba hai thanh phạm tám
Ăn xong thiền duyệt lại kinh hành.
45.-Ẩn tu khuyên khách mến giang hồ !
Nên học Liên phương niệm Phật đồ
Về cõi Bảo Hoa đi dạo khắp
Muôn trời tịnh diệu nét Xuân tô !
46.-Ẩn tu lòng đạo sáng gương rằm
Bạn Cúc quê vàng cảnh vắng tâm
Cây biếc mây hồng che tĩnh xứ
Khói sương vùi dập mấy mươi năm.
47.-Ẩn tu Lan-Nhã ngắm tư bề
Ríu rít mây chim tiếng gọi về
Dâu biển người đời thương biến đổi
Đâu hay muôn cảnh vốn Bồ đề.
48.-Ẩn tu nhớ dạy Tịnh Liên Hoa
Trí Giả nguyên là Phật Thích Ca
Lại có Vĩnh Minh cùng Thiện Đạo
Tương truyền thân hóa của Di Đà
49.-Ẩn tu thấy nói Tổ bên Thiền
Long Thọ, Mã Minh chứng đạo huyền
Đều tín Liên tông khuyên NIỆM PHẬT
Sao hàng hậu học tạo khinh duyên ?
50.-Ẩn tu thương nghĩ cánh Nam tông
Tịnh độ cho là pháp viễn vông
Bác phá Đại thừa phi Phật thuyết
Yến Ly đâu biết dấu chim hồng ?
51.-Ẩn tu ngẫm diệu đạo Liên trì
Căn tiểu thừa nghi chẳng lạ gì ?
Thượng đức năm ngàn Linh Thứu hội
Thành quân bại Bắc rút lui đi.
52.-Ẩn tu chán kẻ nói loanh quanh
Đem hiệu Di Đà phối ngũ-hành
Bao-tử giả là ao Thất-bảo
Phật lành niệm Phật để làm danh !
53.-Ẩn tu than kẻ chấp ly kỳ
Không sắc thật quyền chẳng biết chi
Bảo Phật gỗ, đồng không độ lửa
Còn thân Phật đất, nước tan đi.
54.-Ẩn tu chẳng ngại hung yêu ma
Vì để biệt phân chánh với tà
Chỉ sợ cửa không hàng phá Kiến
Dắt người lầm lạc khó nhìn ra.
55.-Ẩn tu thời mạt nhớ Kinh ghi
Học đạo muôn ngàn ít ngộ kỳ
Duy niệm Hồng-danh cầu Tịnh-độ
Hiện đời giải thoát rất ly-kỳ.
56.- Ẩn tu xót kẻ học Như Lai
Thiền, Tịnh, thị phi chấp trước dày
Kiên cố đấu tranh đà hiện rõ
Đạo đời phân hóa cảnh thời nay.
57.-Ẩn tu ý Tổ cảm thông tri
Bi trí tuỳ cơ độ Mạt-thì
Đâu phải chấp đua như thế tục
Mà riêng khen Tịnh đạo huyền vi.
58.-Ẩn tu thời mạt nhớ câu than
Đức Tín Tỳ Kheo kém Thiện-nam
Cư-sĩ lại thua hàng tín-nữ
Thiên Như huyền ký để lời vàng.
59.-Ẩn tu lòng đạo muốn tăng cao
Phải quán tam đồ khổ lớn lao
Phát ý Bồ đề siêng niệm Phật
Bởi cơ nước lửa sắp dâng trào.
60.-Ẩn tu nhìn khắp cảnh ban mai
Người vật ra đường chim nhảy bay
Tất cả chỉ vì lo vóc huyễn
Nhọc, già, bịnh, chết mấy ai hay?
61.-Ẩn tu tục luỵ thấy muôn mầu
Trong cảnh giàu sang dễ bạc đầu
Việc đắc ý nên dừng nghĩ lại
Kiếp trần tạm gởi được bao lâu.
62.-Ẩn tu nhìn thế loạn đường tơ
Các nước phân tranh rối cuộc cờ
Đạo-pháp vang hồi chuông cảnh tỉnh
Mộng thành sấm dậy chẳng tan mơ.
63.-Ẩn tu niệm Phật gọi Liên-hương
Khắp nguyện đồng lên Tuyển-Phật trường
Hoàng Hạc lầu mây lòng chẳng tưởng
Non Tiên ba cõi vẫn vô thường.
64.-Ẩn tu thường thấy hạng ngu thành
Niệm Phật thiện chung hoặc vãng sanh
Khiến nghĩ làng tu huyền luận giỏi
Bởi đâu khi tịch chẳng an lành?
65.-Ẩn tu hằng tự nhủ riêng lòng (mình)
Đã biết đường Tây phải gắng công
Bình nhựt là nhân như chẳng thật
Lâm chung quả có nở Sen hồng.
66.-Ẩn tu quyết chí gạt trần tình
Mặc nỗi khen chê lẫn bất bình
Sức yếu phải cam phần kém yếu
Tình đời ví nhẹ đạo tâm sinh.
67.-Ẩn tu tưởng đến cảnh Lê-viên
Điệu múa Nghê thường đẹp áo Xiêm
Kim cốc sanh ca dìu dặt trổi
Mà nay suông lạnh ánh thu thiềm !
68.-Ẩn tu Chiêm-tộc nhớ Mường-Lan
Nữ chúa rừng xanh đẹp khác phàm !
Tướng sĩ trận voi uy-vũ thạnh
Nhạc mờ Phan Thiết núi sương lam !
69.-Ẩn tu liên tưởng dãy Giang Đông
Xích Bích trống quân dậy lửa hồng !
Tuyệt-đại song kiều, anh kiệt mất
Tài tình mấy đoạn phút hoàn Không.
70.-Ẩn tu Nguyễn Huệ nhớ Anh-hào
Điệp-điệp quân thanh, chiến cuộc thâu
Trúc kết sang sông mờ bóng cũ
Mây ngàn cỏ nội đỉnh Tây sầu !
71.-Ẩn tu tìm hỏi truyện Tây Thi
Dư lại hồn mai ánh nguyệt trì !
Hận nỗi ba sinh đâu vắng tá?
Thương tình một mối có ra chi?
72.-Ẩn tu tích cổ duyệt xa gần
Tan hợp bên trời áng bạch-vân !
Biển nổi dâu chìm duyên cảnh thế,
Bao giờ cảnh Phật tựa lầu ngân.
73.-Ẩn tu bốn mặt khói sương đầy
Hỏi gạn ai người niệm Phật đây?
Cười mỉm Duy Ma không phúc đáp
Song hồ nửa khép cánh am mây !
74.-Ẩn tu trì niệm cảnh hồn nhiên
Trong lặng âm-thanh vẫn dịu hiền
Đoan-đích tìm chi tin-tức thật?
Tiếng chuông đêm vắng đến ngư thuyền.
75.-Ẩn tu niệm Phật nhẹ lâng không
Hồn bướm Trang Chu tỉnh giấc nồng !
Ý vị âm thầm trăng tỏa sáng
Hình dung lóng lánh tuyết ngần trong.
76.-Ẩn tu đã có luỹ non mây
Cao thấp đồi xa ủng hộ bày
Trước mắt rõ ràng chân cảnh lộ
Màu thu lai láng nét thu gầy.
77.-Ẩn tu mưa phới khắp ngàn tiêu
Bát ngát lâm tuyền cảnh tịch liêu !
Tiếng gió canh thâu hoà tiếng Phật
Bên thềm hoa rụng ít hay nhiều.
78.-Ẩn tu ca nhạc có chim rừng !
Bay hót vần quanh tợ đón mừng
Đủ sắc phi-cầm, tranh vẽ đẹp
Điểm-tô cảnh Phật, một màu Xuân.
79.-Ẩn tu hoa cỏ dáng thờ ơ
Thời mạt nhơn tâm đã khác xưa
Lòng thú hình người, đầy lớp lớp
Cảnh đời gió gió, lại mưa mưa !
80.-Ẩn tu kham nhẫn cõi Ta Bà
Nỗi khổ muôn ngàn, khó kể ra
Cực Lạc niềm vui vui bất diệt
Khổ vui đều bởi tự nhân mà !
81.-Ẩn tu đàn suối cạnh triền non
Tươi tỉnh hoa ngàn tợ phấn son
Sáng lạ vừa tan vầng ráng đỏ.
Đẹp xinh lại hiện bóng trăng tròn !
82.-Ẩn tu ai bảo chẳng Di Đà
Thiện Đạo quang-minh niệm niệm ra
Khang Tổ mỗi câu sanh hoá PHẬT
Cười hàng ngu chấp cố dèm pha.
83.-Ẩn tu ai bảo niệm hồng danh
Không có Tây-phương chẳng vãng sanh
Liên hữu xưa nay nhiều hiện ứng
Thánh-Hiền-Lục đã chép ghi rành.
84.-Ẩn tu chân thật chớ bề ngoài
Tu dáng tu hình lạc-lối sai
Tu tánh tu tâm lên giải thoát
Khuyên làng tu Phật chớ khoe tài.
85.-Ẩn tu hiếu thuận niệm Di Đà
Siêu độ cửu huyền đến mẹ cha
Hiếu đây mới là chăn thật hiếu
Đời tươi như gấm, đạo như hoa.
86.-Ẩn tu xót cảnh đạo đời suy
Lý học Đông Tây đã dự tri
Thiên giáo chỉ rành cơ tận thế
Tiên ghi tận diệt đến thời kỳ.
87.-Ẩn tu lý đạo nói sao cùng !
Nhân-quả nghiêm minh xử lạnh lùng !
Tài, sắc, giàu, sang âu cảnh tạm
Sáng tươi chiều héo đoá Phù Dung.
88.-Ẩn tu thế chiến biết kỳ ba
Nước lửa sơn lâm khắp hải hà
Mấy cuộc lọc thanh đầy huyết-lệ
Bay hồn thảm khổ, lướt khôn qua
89.-Ẩn tu bom đạn, rõ điềm hung
Tan-tác thành đô quả đất rung
Đổi cảnh, đổi người, thời tiết đổi
Núi nhô, núi sụp, chuyện khôn cùng.
90.-Ẩn tu mạt-kiếp thấy lời ghi
Trước mất Lăng Nghiêm pháp diệu kỳ
Lần lượt các kinh đều diệt hết
Duy còn Phật hiệu độ cơ-nguy.
91.-Ẩn tu khuyên khắp sớm hồi đầu
Lìa khỏi dòng mê, sóng nước sâu
Phước huệ đủ trong câu niệm PHẬT
Tám muôn tư pháp cũng gồm thâu.
92.-Ẩn tu chầm chậm bóng dương đi
Ngoài cửa hoa nhàn liễu rũ mi
Đại-mộng hỏi ai người sớm tỉnh?
Ngày xuân chưa dễ hẹn tiên-tri !
93.-Ẩn tu khẩn nguyện khắp nơi-nơi
Niệm PHẬT xứng cơ lại hợp thời
Biển mộng hỏi ai, thuyền lạc bến
Sông mê này chút ánh sen rơi !
94.-Ẩn tu nghĩ tiếc bậc tài cao !
Biển luỵ trần ai đắm kiệt hào !
Giọt lệ Tần-Đình thương đất nước
Bên song kiếm ẩn thán công hầu !
95.-Ẩn tu nhìn lắm kẻ chơi vơi
Gào khóc quên tu cũng huyễn thôi !
Niệm PHẬT để cho tròn tánh PHẬT
Kiếp người chẳng uổng được thân người.
96.-Ẩn tu tâm PHẬT hội Tào Khê
Kiếp ngoại trời xuân sáng bốn bề
Hoa nở sắc hương thành Chủng trí
Gió thông kim cổ đạo Bồ-Bề.
97.-Ẩn tu giải đạo phải dùng lời
Biển lớp ngôn âm cảnh lẫn người
Tự xét đã riêng không sở đắc
Nói nhiều thêm lỗi vọng mà thôi.
98.-Ẩn tu phương tiện mượn thi ngâm
Thức ngộ mình người khởi đạo tâm
Đâu nghỉ hoa đào ra động bích
Mà mong Lưu Nguyễn ghé vào thăm?
99.-Ẩn tu sống chết việc ưu tiên
Kinh cảm luân hồi trải khắp miền !
Sa đoạ ba đường như đại địa
Móng tay cát bụi cõi nhơn thiên !
100.-Ẩn tu tổng-yếu Tịnh môn mầu
Bí quyết đừng xa nghĩ ngợi cầu
Thanh tịnh chí thành trong mấy điểm
LỰC,HÀNH, NGUYỆN THIẾT với TIN sâu.
101.-Ẩn tu niệm niệm bút sanh hoa
Thi-tứ nguồn tâm một mạch ra
Danh-tự vị nguyên là Phật-nhãn
Non Tây rực rỡ dệt hồng hà.
102.-Ẩn tu trắc trắc, lại bình bình
Niệm đạt vô-tình lẫn hữu tình
Lầu tuyết rã tan ngàn thế giới
Chân trời pháp nhãn lộ bình-minh.
103.-Ẩn tu niệm vỡ chụp pha-lê
Muôn ổn ngàn yên lặng khắp bề !
Riêng một bóng Tăng ngồi tĩnh-tọa
Lâm-viên vừa bặt tiếng sơn khê.
104.-Ẩn tu sừng-sửng cội cây khô
Một ngón Thiên Long, dứt ý-đồ
Phật tử đến thăm như hỏi đạo
A Di Đà Phật lại NAM MÔ.
105.-Ẩn tu nhơn cảnh chợt đều quên
Sáng-rỡ vầng-nga rọi trước thềm
Mùi đạo Lan-thanh riêng tự biết
Kêu mưa đã vắng giọng cưu đêm.
106.-Ẩn tu suối lặng bóng chim qua
Chim nước đều như tự tại hoà
Di Lặc trao cho xem túi vải
Dưới trên đều rỗng, giọng kha kha !!!
107.-Ẩn tu bên viện tiếng chuông dồn!
Sấm nổ Oai âm tỉnh mộng hồn
Chồn nhảy vào hang Sư tử chúa
Sư-Vương lại dạo dã hồ thôn.
108.-Ẩn tu trì niệm tháng năm qua
Đạp lối Sen thanh trở lại NHÀ
Tin-tức ngày nay vừa thấy được
Tiếng chuông Sơn tự bóng trăng tà !
Nam mô Phương
Liên Tịnh Xứ Mật - Tịnh đạo tràng
Hoà Thượng Thích Thiền Tâm
Chỉ duy TRÌ DANH mà chứng Thật Tướng,
Không cần quán tưởng cũng thấy Tây-Phương!
Ấn-Quang đại-sư
Mười Phương Thức Trì Danh
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
1. Phản Văn Trì Danh
2. Sổ Châu Trì Danh
3. Tùy Tức Trì Danh
4. Truy Đảnh Trì Danh
5. Giác Chiếu Trì Danh
6. Lễ Bái Trì Danh
7. Ký Thập Trì Danh
8. Liên Hoa Trì Danh
9. Quang Trung Trì Danh
10. Quán Phật Trì Danh
Như đã nói, môn Trì Danh là pháp tu Tịnh Độ phổ thông nhứt hiện nay. Nhưng Trì Danh cũng được áp dụng với nhiều cách thức khác nhau tùy theo căn tánh của mỗi người, mà bút giả xin gạn lọc lại qua mấy phương pháp như sau:
1. Phản Văn Trì Danh: - Phương pháp này, miệng vừa niệm, tai vừa nghe vào trong, kiểm soát từng chữ từng câu cho rành rẽ rõ ràng hết câu này đến câu khác. Nghe có hai cách, hoặc dùng tai nghe, hoặc dùng tâm để nghe. Tuy nghe vào trong nhưng không trụ nơi đâu, lần lần quên hết trong ngoài, cho đến quên cả thân tâm cảnh giới, thời gian không gian, chỉ còn một câu Phật hiệu. Cách thức phản văn, khiến cho hành giả dễ gạn trừ vọng tưởng, mau được nhứt tâm. Kinh Lăng Nghiêm nói:
"Chân giáo thể phương này, thanh tịnh do nghe tiếng. Muốn chứng vào Tam Muội, nên như thế tu hành"; chính là ý trên đây.
2. Sổ Châu Trì Danh: - Đây là cách thức miệng vừa niệm tay vừa lần chuỗi, ban đầu ý niệm còn ràng buộc nơi tràng hạt, sau lần buông bỏ đi đến cảnh nhứt tâm. Phương pháp sổ châu khiến cho niệm lực mạnh mẽ, ví như người yếu chân đi núi, nhờ nương cây gậy mà tiến bước lên cao mãi. Niệm cách này lại cần phải ghi số mỗi thời hoặc mỗi ngày là bao nhiêu câu. Ghi số có điểm lợi là bắt buộc người tu phải giữ định số, trừ được bịnh biếng trễ; nhưng cần chú ý đừng quá tham mau, tham nhiều mà niệm không được rành rẽ, rõ ràng. Người xưa tuy niệm nhiều nhưng cũng ở trong sự rành rõ, do nhờ hai điểm là: thuần thục và định tâm. Ngẫu Ích đại sư vị Tổ thứ chín của Liên Tông, từng khai thị:
"Muốn đi đến cảnh giới nhất tâm bất loạn, không có cách chi kỳ diệu khác. Trước tiên hành giả cần phải lần chuỗi ghi số, niệm niệm rành rẽ rõ ràng, mỗi ngày hoặc ba muôn, năm muôn, cho đến mười muôn câu, giữ khóa trình quyết định chẳng thiếu, thề một đời không thay đổi. Niệm như thế lâu ngày lần lần thuần thục, không niệm vẫn tự niệm, chừng ấy ghi số hay không ghi số cũng được. Và niệm như thế kèm thêm tín nguyện tha thiết, mà không được vãng sanh, thì chư Phật ba đời đều mang lỗi nói dối. Khi đã vãng sanh, tất cả pháp môn đều được hiện tiền. Nếu ban sơ vì cầu cao tự ỷ, muốn tỏ ra không trước tướng, muốn học theo lối viên dung tự tại, đó là tín nguyện chẳng bền sâu, hành trì không hết sức; dù có giảng suốt mười hai phần giáo, giải ngộ một ngàn bảy trăm công án, cũng là việc ở bên bờ sanh tử mà thôi."
Lời khuyên dạy này thật là cây kim chỉ nam cho người niệm Phật.
3. Tùy Tức Trì Danh: - Niệm Phật thầm hay niệm se sẽ tiếng, nương theo hơi thở, mỗi hơi thở ra vào đều một câu Phật hiệu; đó là ý nghĩa của Tùy Tức Trì Danh. Bởi mạng sống con người liên quan với hơi thở, nếu biết nương theo đây mà niệm, thì khi sống hằng không rời Phật, lúc lâm chung tất hơi vừa tắt, liền về cảnh giới Liên Bang. Nhưng nên chú ý là phương thức này khi tập đã thuần thục, cần niệm ra tiếng, chớ không nên chỉ niệm thầm. Như thế niệm lực mới mạnh, ý nguyện cầu sanh dễ được phát khởi. Bằng không, ý niệm vãng sanh sẽ khó tha thiết và sợ e lại lạc vào công dụng Ngũ Đình Tâm Quán của Tiểu Thừa.
4. Truy Đảnh Trì Danh: - Khi dùng cách này, nên niệm nho nhỏ tiếng, mỗi chữ mỗi câu đều kế tiếp nhau liên tỏa chặt chẽ, thành hình thế chữ sau đuổi theo chữ trước, câu nọ gối đầu câu kia nên gọi là Truy Đảnh. Áp dụng phương thức như thế, nhờ sự kín đáo bền chặt, trung gian không xen hở, nên tạp niệm không có chỗ len vào. Dùng đến pháp này, thì tình ý khẩn trương, tâm miệng dũng tiến, oai lực của chánh niệm bao trùm tất cả, khiến cho nghiệp tưởng vô minh tạm thời chìm lắng, ánh mầu Tam Muội bộc phát chiếu xa. Từ xưa người tu tịnh nghiệp trong lúc tình tưởng mênh mang rối loạn, thường dùng cách thức này.
5. Giác Chiếu Trì Danh: - Niệm theo Giác Chiếu là một mặt niệm Phật, một mặt hồi quang soi trở lại chân tánh của mình. Do niệm như thế, hành giả sẽ đi vào cảnh giới hư linh siêu tuyệt, chỉ còn cảm giác thân tâm của mình cùng chân tâm Phật ngưng đọng thành một khối, sáng tròn rỡ rỡ, đầy rộng mênh mang. Khi đó phòng nhà vật dùng thảy đều ẩn mất, cho đến thân giả tứ đại của ta cũng không biết rơi lạc vào chỗ nào. Niệm theo đây thì báo thân chưa mãn đã chứng tịch quang, Phật hiệu vừa tuyên liền vào Tam Muội. Đem thân phàm phu mà dự vào cảnh thánh, thật không chi mau lẹ hơn phương pháp trên đây. Song chỉ tiếc, nếu chẳng phải bậc thượng thượng căn tất không thể lãnh hội thật hành, nên phần độ cơ của cách thức này vẫn còn sơ hẹp.
6. Lễ Bái Trì Danh: - Phương thức này là vừa lạy vừa niệm Phật. Hoặc niệm một câu lạy một lạy, hoặc một mặt niệm một mặt lạy, không luận câu Phật nhiều hay ít. Cách lễ Phật lại phải hết sức nhẹ nhàng chậm rãi, lễ niệm song hành, thân miệng hợp nhứt. Nếu thêm vào đó ý thành khẩn tha thiết, thì thành ra ba nghiệp đều tập trung, ngoài câu Phật hiệu không còn một tơ hào vọng niệm. Phương pháp này có sở năng phá trừ hôn trầm, công đức và hiệu lực rất to lớn, vì hành giả vận dụng cả ba nghiệp để trì niệm. Cư sĩ Vương Nhật Hưu khi xưa từng áp dụng cách trên đây, mỗi ngày đêm ông lễ niệm trung bình là một ngàn lạy. Nhưng dường như đây là lối niệm đặc biệt của hạng người tâm lực tinh tấn, thiếu khả năng ấy tất khó vững bền, bởi lạy lâu thân thể mỏi nhọc, dễ sanh chán nản. Cho nên thông thường, cách thức này chỉ hợp kiêm dụng, khó bề chuyên dụng.
7. Ký Thập Trì Danh: - Đây là cách niệm ký số, cứ lấy mỗi mười câu làm một đơn vị. Người hơi ngắn có thể niệm thành hai lượt, mỗi đoạn năm câu; hoặc chia ra ba lượt, hai đoạn ba câu một đoạn bốn câu. Sau khi niệm đủ mười câu, đều lần qua một hạt chuỗi. Niệm theo lối này, tâm đã niệm Phật, lại còn phải ghi nhớ số. Như thế dù không chuyên cũng bắt buộc phải chuyên, nếu không chuyên thì số mục liền sai lạc. Cho nên pháp này đại để là một phương tiện cưỡng bức cho hành giả chuyên tâm, rất có công hiệu với những kẻ nhiều tạp niệm. Ấn Quang đại sư thường khuyên các liên hữu áp dụng cách thức trên đây.
8. Liên Hoa Trì Danh: - Lấy bốn sắc hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, vừa niệm vừa tưởng, luân lưu chuyển tiếp, là danh nghĩa của lối niệm trên đây. Hành giả khi niệm câu Phật hiệu thứ nhứt, tưởng trước mặt mình hiện ra một đóa sen xanh to lớn phóng ánh sáng xanh. Câu thứ hai, tưởng hoa sen vàng phóng ánh sáng vàng. Cho đến câu thứ ba thứ tư, là hoa sen đỏ, trắng, màu nào phóng ánh sáng ấy. Kế tiếp tục tưởng lại hoa sen màu xanh, cứ như thế luân lưu mãi. Đồng thời khi hoa hiện, lại tưởng có hương sen thanh nhẹ phưởng phất xung quanh. Bởi có nhiều hành giả trong Liên Hoa Tông dùng mọi pháp thức vẫn khó ngăn được tạp niệm, nên cổ nhơn mới phát minh ra lối niệm này. Đây là cách dùng hình sắc thay đổi để buộc tâm tưởng cho chuyên nhất, và hình sắc này lại lấy tướng hoa sen nơi ao thất bảo ở cõi Cực Lạc "Một câu Di Đà, một đóa bảo liên", bởi hoa sen Tịnh Độ hiện thành không rời hoa sen công đức của tâm niệm Phật. Và khi mạng chung, thần thức của hành giả sẽ nương hoa sen báu ấy mà sanh về Cực Lạc. Chư liên hữu nếu thấy có duyên với phương thức trên đây, nên áp dụng để mau đi vào Niệm Phật Diệu Liên Hoa Tam Muội.
9. Quang Trung Trì Danh: - Vì có hành giả khi nhắm mắt niệm Phật, thường bất chợt thấy những hình tướng ô uế, hoặc màu sắc đen tối xao động nổi lên, nên cổ đức mới truyền dạy cho cách thức này. Đây phương pháp vừa niệm Phật, vừa tưởng mình đang ngồi giữa vùng ánh sáng trong suốt to rộng. Khi tâm đã an định trong vùng quang minh ấy, hành giả cảm thấy thần trí sáng suốt mát mẻ, không những tạp tưởng trừ dứt, mà các tướng uế ác cũng tiêu tan. Rồi chánh niệm do đó được bền lâu, và Tam Muội cũng do đó lần lần thành tựu. Đây tuy là phương tiện đặc biệt chuyên trừ tướng uế ác nhưng dù không có nghiệp bịnh ấy, nếu muốn tinh thần thơ thới để đi sâu vào Niệm Phật Tam Muội, hành giả cũng nên áp dụng cách thức này.
10. Quán Phật Trì Danh: - Pháp quán tưởng trong Quán Kinh rất trọng yếu, công đức cực to rộng, nhưng chưa phải là phương tiện phổ thông cho chúng sanh thời mạt pháp hành trì. Nhưng vì không muốn bỏ công đức đặc biệt của quán pháp, nên cổ nhơn đã thể dụng trong mười sáu phép quán, lựa cách thức dễ tu tập nhứt, lấy trì danh làm chánh, quán Phật làm phụ, gọi là Quán Phật Trì Danh. Hành giả mỗi ngày sau khi niệm Phật, lại để riêng một thời tịnh tâm quán tưởng sắc tướng quanh minh của Phật A Di Đà. Cách quán Phật này rút lựa phép quán thứ mười ba trong Quán Kinh, tưởng đức A Di Đà thân cao một trượng sáu, sắc vàng ròng, đứng bên bờ ao thất bảo. Nếu chưa quán tưởng được ao thất bảo, hành giả có thể tưởng đức Phật đứng trong vùng ánh sáng giữa hư không trước mắt mình, tay trái đưa ngang ngực bắt ấn kiết tường, tay mặt buông sè xuống theo thế tiếp dẫn. Muốn quán Phật cho thành tựu, trước tiên nên quán đại khái toàn thân, kế chỉ chuyên tâm quán tướng lông trắng giữa đôi mày. Tướng bạch hào này rỗng không trong suốt như bạch ngọc, có tám cạnh, xoay về bên hữu cao thành năm vòng. Bạch hào là tướng căn bản trong ba mươi hai tướng, khi tướng này quán thành, do sự cơ cảm, các tướng kia đều lần lượt hiện rõ. Tuy nhiên, muốn được phần chắc chắn hành giả cũng nên duyệt xem trong kinh, để ghi nhớ rõ ba mươi hai tướng tốt của Phật trước khi dụng công. Phương pháp trên đây sở dĩ để Trì Danh vào phần chánh, vì nếu quán tưởng không thành vẫn còn phần Trì Danh để bảo đảm cho sự vãng sanh. Nhưng thật ra, Trì Danh cũng giúp quán tưởng, quán tưởng lại phụ dực cho Trì Danh, hai phần này hỗ tương đưa hành giả đến chỗ song song thành tựu. Pháp thức này tuy có phần khó hơn các lối trên, song nếu thành tựu thì công đức to rộng vô biên, nên xin đưa ra sau cùng để làm duyên khuyến tấn.
Như trên đã lược trình mười lối Trì Danh, cũng là mười phương pháp cốt yếu để đối trị tâm bịnh của người niệm Phật. Trong các sách Tịnh Độ, có đưa ra đến mấy mươi cách như: Cao Thanh Trì Danh, Đê Thanh Trì Danh, Mang Trung Trì Danh, Nhàn Trung Trì Danh, v.v... nhưng đó chỉ là những lối niệm cao tiếng, thấp tiếng, khi gấp, khi huỡn, chưa có thể gọi là một phương pháp niệm Phật. Vì thế, bút giả đã chọn lọc lại rút ra mười cách thức căn bản, khả dĩ gọi là "phương pháp", để đối trị mối chướng hôn trầm tán loạn, và có thể thông dụng cho một phần lớn căn tánh hiện thời.
Trong mười pháp thức trên, các liên hữu có thể thí nghiệm qua, và sau cùng áp dụng một lối niệm nào mà mình thích hợp nhứt...
Sự nhứt tâm là thế nào?
- Khi hành giả chuyên tâm chú ý trên sáu chữ hồng danh, lâu ngày tất cả tạp niệm đều dứt bặt, lúc nằm ngồi đi đứng duy có một câu Phật hiệu hiện tiền, gọi là cảnh giới Sự nhứt tâm. Đây là định cảnh của người tu Tịnh Độ, cũng ngang hàng với sự nhập định của bậc tu Thiền.
Lý nhứt tâm là thế nào?
- Trên Sự nhứt tâm nếu tiến thêm một bước, dụng công đến chỗ chí cực, ngày kia tâm địa rỗng suốt, thoát hẳn căn trần ngộ vào thật tướng. Khi ấy hiện tại tức là Tây Phương mà chẳng ngại gì riêng có cõi Cực Lạc, tánh mình chính là Di Đà cũng chẳng ngại gì riêng có đức A Di Đà. Đây là cảnh giới Lý nhứt tâm. Địa vị này là cảnh "định huệ nhứt như" của người niệm Phật, ngang hàng với trình độ khai ngộ bên Thiền Tông.
Với thuyết Sự, Lý nhứt tâm,
Ngẫu Ích đại sư đã giản biệt tường tận.
Ngài bảo: "Không luận sự trì hay lý trì; niệm đến hàng phục phiền não, kiến hoặc tư hoặc không khởi hiện, là cảnh giới Sự nhứt tâm. Không luận sự trì hay lý trì, niệm đến tâm khai, thấy rõ bản tánh Phật, là cảnh giới Lý nhứt tâm. Sự nhứt tâm không bị kiến, tư hoặc làm loạn. Lý nhứt tâm không bị nhị biên làm loạn" (Nhị biên: có, không - đoạn, thường v.v...)
Như thế chẳng nói chi Lý nhứt tâm, với Sự nhứt tâm người đời nay cũng chẳng dễ gì đi đến. Tuy nhiên, với công đức của câu niệm Phật cộng thêm sự chí thiết hành trì, trong mỗi niệm sẽ diệt được một phần vô minh thêm một phần phước huệ, lần lần tất sẽ đi đến cảnh giới tốt. Và hành trì lâu ngày như thế, lo gì không tiến đến chỗ mỗi niệm khai ngộ, được hảo cảnh gọi là "Nhứt phiên đề khởi nhứt phiên tân" (Một phen đề khởi niệm, một phen lộ bày cảnh mới).
NAM-MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT
Mỗi câu tràng hạt (THỦ NHÃN) Phật là tâm
Phật rõ là tâm, uổng chạy tìm!
Bể Phật dung hòa tâm với cảnh
Trời tâm bình đẳng Phật cùng sanh
Bỏ tâm theo Phật còn mơ mộng
Chấp Phật là tâm chẳng trọn lành.
Tâm, Phật nguyên lai đều giả huyễn
Phật, tâm đồng diệt đến viên thành.
(NIỆM PHẬT THẬP YẾU (Sự Trì, Lý Trì) - HT. THÍCH THIỀN-TÂM)
Tuy nhiên, nếu chưa đạt được trình độ SỰ, LÝ-NHỨT-TÂM, thì người tu TỊNH-ĐỘ HẰNG NGÀY PHẢI TÌM CÁCH PHÁ TRỪ: 3 ĐIỀU NGHI, 4 CỬA ẢI, để không bị chướng ngại cho sự vãng-sanh của QÚY-VỊ.
1.- Nghi mình túc-nghiệp sâu nặng, thời gian công phu tu hành ít, e không được
vãng-sanh.
2.- Nghi mình bản nguyện chưa trả xong, tham sân si chưa dứt, e không được
vãng-sanh.
3- Nghi mình niệm Phật, Phật không đến rước, e không được vãng-sanh.
Bốn cửa ải là:
1.- Hoặc nhân bị bịnh khổ mà trở lại hủy báng Phật không linh.
2.- Hoặc nhân tham sống mà giết vật mạng cúng tế.
3.- Hoặc nhân uống thuốc mà dùng rượu cùng chất máu tanh hôi.
4.- Hoặc nhân ái luyến mà tự ràng buộc với gia đình.
Lời bàn:
A. KÝ SỐ NIỆM PHẬT
…ghi nhớ từ MỘT đến MƯỜI câu ( là câu thứ 1 thì ghi nhớ số 1 …câu thứ 10 thì ghi nhớ số 10 ) .Vì còn sự "ghi nhớ số" ấy [1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10], nên gọi là KÝ-SỐ.
(Chứ không phải NAM-MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT một,… NAM-MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT mười).
B. CHỨNG SỐ NIỆM PHẬT
Nam mô A Di Đà
Không gấp cũng không hưởn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau (Hạ Thủ Công Phu)
Thường niệm cho rành rõ
C. CHỈ QUÁN NIỆM PHẬT
Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chính Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ (Tương Ưng với Giới, Định, Huệ)
D. TỊCH TĨNH NIỆM PHẬT
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền (Sự Nhất Tâm)
Tam-muội sự thành tựu
Đương niệm tức vô niệm (Lý nhất Tâm)
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý pháp thân hiện
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỀN-TÂM
Nam mô A Di Đà
Nam mô A Di Đà
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng phẩm (Phát Nguyện Vãng-sanh Cực-lạc)
Kệ Niệm Phật
Comments
Post a Comment